Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 24

  • Hôm nay 279

  • Tổng 1.541.670

Lịch làm việc

›› Chọn ngày để xem lịch

Tải lịch tuần

 

Sân chơi mới lạ của thể thao Quảng Bình

Post date: 18/03/2022

Font size : A- A A+
 Với luật chơi đơn giản, phù hợp với mọi lứa tuổi, môn thể thao bi sắt đang được Sở Văn hóa-Thể Thao tỉnh Quảng Bình chú trọng, ưu tiên thành lập đội tuyển tập luyện và thi đấu. Từ những kết quả đạt được bước đầu, bi sắt đang mở ra cơ hội để vận động viên (VĐV) Quảng Bình chinh phục ở sân chơi mới lạ này.

 Dễ chơi, phù hợp mọi người

 
Bi sắt là môn thể thao đã góp mặt tại đấu trường SEA Games khá lâu với các quốc gia mạnh như Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar... Bộ môn này cũng có hệ thống tổ chức thi đấu như giải vô địch Đông Nam Á, châu Á, thế giới. Tại Việt Nam, bộ môn này phát triển khá mạnh tại các tỉnh miền Tây Nam bộ và một số tỉnh, thành phía Bắc. Bi sắt cũng đã góp mặt trong nội dung thi đấu tại các kỳ Đại hội Thể dục Thể thao (TDTT) toàn quốc cũng như giải vô địch quốc gia hàng năm.
 
Với người dân Quảng Bình, môn thể thao bi sắt còn khá lạ lẫm, ít người chơi, ít người biết đến. Tuy nhiên, với đặc trưng dễ chơi, phù hợp với cả người lớn và trẻ em, phần chi phí đầu tư trang thiết bị, dụng cụ tập luyện ít tốn kém, nên trong thời gian tới, bi sắt sẽ là môn thể thao phát triển ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Đội tuyển bi sắt Quảng Bình đang tập luyện tại tỉnh Sóc Trăng.

Bi sắt thường được tổ chức trên 3 loại sân khác nhau, gồm: Sân đất nện, sân đất nện có rải đá dăm và sân đất nện rải đá dăm, đá 1x2cm. Trọng lượng viên bi từ 650g đến 750g, có đường kính từ 7,05cm đến 7,5cm. Môn bi sắt có nhiều nội dung khác nhau, như: Đơn nam, đôi nam, đồng đội nam, kỹ thuật nam, đơn nữ, đôi nữ, đồng đội nữ, kỹ thuật nữ và đôi nam nữ.

Cách thức thi đấu môn bi sắt khá dễ dàng. Cụ thể, sau khi bốc thăm, một đội sẽ cầm viên bi điểm nhỏ ném trước và người chơi đứng trong một vòng tròn có đường kính từ 35cm đến 50cm. Vòng tròn này nằm cách đường biên cuối sân và biên ngang 1m. Bi điểm được xem là ném hợp lệ khi nằm cách xa vòng tròn từ 6 đến 10m và cách hai biên dọc 1m.
 
Sau khi bi điểm được ném, VĐV đối phương có nhiệm vụ đầu tiên là bo (hay còn gọi là lăn) viên bi của mình (trong tư thế ngồi) sao cho gần viên bi điểm. Khi bo viên bi gần bi điểm nhất, người đó được xem là tạm dẫn đối phương. VĐV đối thủ có nhiệm vụ là bắn viên bi (tư thế đứng) của đối phương đi nơi khác. Mỗi VĐV được phát 3 viên bi để bo hoặc bắn. Nếu đã ném đi hết cả 3 viên bi thì ai có viên bi gần với bi điểm nhất được công nhận thắng điểm. Mỗi trận thi đấu đến 13 điểm.
 
Môn mới của thể thao Quảng Bình
 
Ông Lê Phú Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hoá-Thể Thao cho biết, cùng với những môn bơi lội, đua thuyền, điền kinh… bi sắt có thể trở thành môn thể thao tiềm năng của tỉnh Quảng Bình. Kể từ tháng 6/2019, bi sắt đã được ngành xác định là một trong những môn thể thao thành tích cao của tỉnh. Hiện nay, đội tuyển bi sắt tỉnh Quảng Bình có 1 huấn luyện viên phụ trách và 9 VĐV đang tập luyện tại tỉnh Sóc Trăng để tạo nguồn VĐV tham gia các giải bi sắt quốc gia, khu vực.
 
Theo ông Phạm Văn Đức, Huấn luyện viên phụ trách môn bi sắt, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Quảng Bình, bi sắt là môn thể thao dễ chơi, dễ hiểu, tuy nhiên, trong thi đấu các VĐV phải vận dụng tối đa khả năng tư duy, tính toán chiến thuật, so kè với đối thủ. Vì vậy, tiêu chí để chọn VĐV năng khiếu môn bi sắt là dựa trên sự khéo léo, có cổ tay dẻo và khả năng tư duy không gian. Ngoài ra, môn bi sắt đề cao tính chiến thuật và sự kiên trì của mỗi VĐV. Tuy nhiên để có thể chơi tốt, trở thành một VĐV chuyên nghiệp thông thường phải trải qua quy trình đào tạo từ 4 đến 5 năm.
Các VĐV tham gia giải bi sắt (petanque) vô địch trẻ và thiếu niên quốc gia năm 2020.
Mặc dù là môn thể thao còn mới lạ và đang trong thời gian luyện tập nhưng với sự kiên trì, chịu khó, VĐV đội tuyển bi sắt tỉnh Quảng Bình cũng đã nỗ lực tham gia thi đấu ở các giải quốc gia và bước đầu đạt được thành tích khá ấn tượng.
 
Cụ thể, vào những ngày cuối tháng 4/2021, Tổng cục TDTT phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức giải bi sắt vô địch quốc gia năm 2021. Tham gia giải, 2 VĐV đội tuyển bi sắt Quảng Bình là Nguyễn Thu Huyền (sinh năm 2006) và Phạm Anh Đức (sinh năm 2007) đã thi đấu nỗ lực để giành được 1 HCĐ ở nội dung đôi nam nữ.
 
Trước đó, vào tháng 10/2020, tại tỉnh Sóc Trăng cũng đã diễn ra giải bi sắt vô địch trẻ và thiếu niên quốc gia. Tham gia giải đấu này, các VĐV bi sắt tỉnh Quảng Bình đã giành được 1 HCB ở nội dung đôi nam và 1 HCĐ ở nội dung kỹ thuật nam.
 
Ông Phạm Văn Đức chia sẻ thêm, với thành tích bước đầu đoạt được, đội tuyển bi sắt Quảng Bình đang từng bước tự tin hướng tới sân chơi thể thao ẩn chứa nhiều tiềm năng này. Hiện tại, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng các thành viên ban huấn luyện cũng như VĐV bi sắt phải tự mình kiên trì tập luyện, hướng tới mục tiêu là một trong những môn thể thao thế mạnh của tỉnh Quảng Bình ở đấu trường quốc gia.
 
Xuân Thi

More