Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 15

  • Hôm nay 2174

  • Tổng 1.522.050

Lịch làm việc

›› Chọn ngày để xem lịch

Tải lịch tuần

 

Chương trinh hanh động của ban thương vụ tỉnh ủy Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01 /12/2011 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020"

Post date: 22/10/2014

Font size : A- A A+

 TỈNH ỦY QUẢNG BÌNH                                                             ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

      Số: 12- CTr-TU                                                             Quảng Bình, ngày 26 tháng 4 năm 2012

 

 

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01 /12/2011

của Bộ Chính trị  về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng,

tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020"

 
 

 

 

 

          Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 1/12/2011 của Bộ Chính trị về " Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020:, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng Chương trình hành động với các nội dung sau:

          I. QUAN ĐIỂM

1. Phát triển thể dục, thể thao là một yêu cầu khách quan của xã hội, nhằm góp phần nâng cao sức khoẻ, thể lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân, chất lượng nguồn nhân lực; giáo dục ý chí, đạo đức, xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế; đồng thời, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, tổ chức xã hội và của mỗi người dân. Các cấp ủy đảng có trách nhiệm thường xuyên lãnh đạo công tác thể dục, thể thao, bảo đảm cho sự nghiệp thể dục, thể thao ngày càng phát triển.

2. Đầu tư cho thể dục thể thao là đầu tư cho con người, cho nguồn nhân lực và sự phát triển của quê hương đất nước. Thực hiện tốt xã hội hóa, tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thể dục, thể thao và đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao; đồng thời phát huy các nguồn lực của xã hội để phát triển thể dục, thể thao, phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức xã hội trong quản lý, điều hành các hoạt động thể dục, thể thao.

3. Gìn giữ, tôn vinh những giá trị thể dục, thể thao truyền thống tỉnh nhà, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, phát triển nền thể dục, thể thao tỉnh ta mang tính dân tộc, khoa học, nhân dân và văn minh.

II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Từng bước hoàn thiện bộ máy tổ chức, đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thể dục, thể thao; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tạo nền tảng vững chắc để phát triển mạnh mẽ sự nghiệp thể dục thể thao tỉnh nhà và từng bước nâng cao vị thế của thể thao của tỉnh ta là một trong những tỉnh có thành thích cao trong khu vực Bắc Trung bộ và đạt thứ hạng 15 - 20 của cả nước.

2. Các chỉ tiêu cơ bản

- Hằng năm đăng cai khoảng 3 – 5 giải và sự kiện thể thao cấp quốc gia, quốc tế; tổ chức khoảng 2 –3 môn thể thao dân tộc và thể thao hiện đại gắn với các lễ hội của tỉnh, lễ hội Đua thuyền truyền thống huyện Lệ Thủy, lễ hội Rằm Tháng 3 huyện Minh Hóa và các hoạt động thể thao phục vụ cho “Tuần Văn hóa Đồng Hới” và khai trương mùa Du lịch.

- Trong các Đại hội thể thao toàn quốc phấn đấu giành thứ hạng từ 15-20. Đến năm 2015 là 10-12 huy chương trong các cuộc thi đấu ở Seagames và các giải thể thao quốc tế, năm 2020 đạt 15-20 huy chương.

 - Số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đến năm 2015 đạt 32%, năm 2020 đạt 35-40%.

- Các huyện, thành phố có đầy đủ sân vận động, nhà tập, bể bơi đến năm 2015 đạt 15%, năm 2020 đạt 25 - 30%.

- Đến năm 2015 có 100% giáo viên chuyên trách thể dục, thể thao trong các trường học (riêng về trường tiểu học phấn đấu có 50% số trường có giáo viên chuyên về giáo dục thể chất).                                  

- Số trường phổ thông có sân tập thể dục thể thao đạt tiêu chuẩn mới và nhà tập đơn giản năm 2015 đạt 30%, năm 2020 đạt 45- 50%.

- Giai đoạn 2010 – 2020, có 100% trường phổ thông giảng dạy chương trình thể dục nội khoá; năm 2015 có trên 50% câu lạc bộ thể dục thể thao, năm 2020 đạt 60%.

 - Giai đoạn 2015 – 2020, có 70%  xã, phường, thị trấn, các cơ quan đơn vị ngoài công lập xây dựng được các địa điểm tập luyện thể dục thể thao theo quy định.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP.

1. Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học 

- Cần quan tâm đầu tư đúng mức thể dục, thể thao trường học với vị trí là bộ phận quan trọng của phong trào thể dục, thể thao, là một mặt của giáo dục toàn diện nhân cách học sinh, sinh viên.

 - Thực hiện tốt giáo dục thể chất theo chương trình nội khóa; đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, sinh viên, bảo đảm mục tiêu phát triển thể lực toàn diện và kỹ năng vận động cơ bản của học sinh, sinh viên, góp phần đào tạo năng khiếu và tài năng thể thao.

- Đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục thể chất, gắn giáo dục thể chất với giáo dục ý chí, đạo đức, giáo dục quốc phòng, giáo dục sức khỏe và kỹ năng sống của học sinh, sinh viên. Thực hiện chế độ đãi ngộ hợp lý và phát huy năng lực đội ngũ giáo viên thể dục hiện có, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng  nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thể dục cho trường học trong toàn tỉnh.

2. Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động thể dục thể thao quần chúng

- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, vận động và thu hút đông đảo nhân dân tham gia tập luyện thể dục, thể thao, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng các hình thức tổ chức tập luyện thể dục thể thao ở cơ sở. Gắn việc chỉ đạo phát triển phong trào thể dục, thể thao với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn minh đô thị. Phát triển phong trào tập luyện thể dục, thể thao trong cán bộ, công nhân viên chức và người lao động; phát động phong trào mỗi người tự chọn cho mình một môn thể thao, một hình thức tập luyện thể dục thể thao phù hợp để rèn luyện sức khỏe. Quan tâm các đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật với các hình thức tập luyện phù hợp.

 - Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển thể dục thể thao quần chúng ở cơ sở. Khơi dậy, bảo tồn và phát triển các môn thể thao cổ truyền của dân tộc ở địa phương, như: bơi trải, cướp cù, bắn nỏ, vật….có các giải pháp để phát huy tích cực văn hóa, văn minh trong thể dục, thể thao. Xây dựng mạng lưới hướng dẫn viên, cộng tác viên làm nồng cốt cho phong trào quần chúng. Coi trọng các hoạt động thể dục thể thao trong thanh, thiếu niên.

- Chú trọng phát triển thể dục thể thao trong lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; phát huy vai trò của lực lượng vũ trang trong việc phát triển thể dục, thể thao của nhân dân trên từng địa bàn, nhất là ở vùng biên giới, vùng cao, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Có quy hoạch dành đất cho thể dục, thể thao ở các trường học, xã, phường, thị trấn, khu công nghiệp, chú trọng tới xây dựng cơ sở vật chất thể dục, thể thao phục vụ việc tập luyện của nhân dân; quan tâm tới xây dựng các khu vui chơi giải trí trong lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao.

3. Đẩy mạnh và phát triển các môn thể thao thành tích cao.

- Dành nguồn lực thích đáng để hình thành hệ thống đào tạo tài năng thể thao với đội ngũ kế cận dồi dào và có chất lượng, làm tiền đề cho bước phát triển đột phá về thành tích trong một số môn thể thao.

- Củng cố và phát triển các lớp năng khiếu thể thao cấp tỉnh, tăng cường tổ chức các lớp nghiệp dư, câu lạc bộ ở các huyện, thành phố với quy mô phù hợp; phát hiện, bồi dưỡng các năng khiếu và tài năng thể thao. Khuyến khích phát triển câu lạc bộ về các môn thể thao hoạt động theo phương thức tự quản, có sự hỗ trợ của Nhà nước.

- Nâng cao tuyển chọn và công tác huấn luyện, thi đấu cho vận động viên. Từng bước xây dựng các đội bóng đá trẻ, bóng chuyền nam, nữ và các môn thể thao có thế mạnh của tỉnh, như bơi, lặn, cờ vua, điền kinh, đua thuyền rowing… tranh thủ sự giúp đỡ của các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, phối hợp với các tỉnh có thế mạnh từng môn thể thao để đào tạo vận động viên thi đấu trong nước và quốc tế.

- Đổi mới tổ chức, quản lý thể thao thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp phù hợp với đặc điểm của từng môn và từng địa phương. Ưu tiên đầu tư của Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ các lớp đào tạo vận động viên các môn thể thao truyền thống và có thế mạnh của tỉnh; tích cực chuẩn bị lực lượng vận động viên và các điều kiện cơ sở vật, chất kỹ thuật cần thiết, để đăng cai tổ chức một số giải thể thao cấp quốc gia, quốc tế.

Coi trọng giáo dục đạo đức, ý chí, lòng tự hào dân tộc, quê hương cho vận động viên. Tôn vinh và đãi ngộ xứng đáng các vận động viên xuất sắc, nêu gương cho các  lớp vận động viên kế cận và với thanh, thiếu niên nói chung. Kiên quyết đấu tranh khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong thể thao, nhất là trong bóng đá và các môn thể thao thành tích cao.

 4. Đổi mới tổ chức, quản lý, nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội để phát triển thể dục, thể thao; tăng cường hợp tác quốc tế

- Cũng cố, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về thể dục thể thao phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác văn hoá – thông tin - thể thao ở các xã, phường, thị trấn. Nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao ở các cấp, đặc biệt là năng lực triển khai thực hiện các chính sách, kế hoạch thể dục thể thao. Đào tạo đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên, trọng tài để hướng dẫn, chỉ đạo phong trào thể dục, thể thao quần chúng ở cơ sở.

- Xây dựng, ban hành quy chế và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các văn bản, quy chế, điều lệ trong hoạt động tổ chức thi đấu thể  thao ở cơ sở. Có kế hoạch phối hợp tổ chức thi đấu, hội thao ở các  địa phương, các ngành, đơn vị. Xây dựng kế hoạch phối hợp lồng ghép hoạt động thể thao vào chương trình phát triển kinh tế xã hội nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thể dục, thể thao. Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội về thể dục thể thao trong việc điều hành các hoạt động thể dục thể thao từ tỉnh đến cơ sở. Khuyến khích các cơ sở thể thao ngoài công lập tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao. Định kỳ tổ chức đại hội thể dục, thể thao và sơ  kết,  tổng kết, kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc chỉ đạo thực hiện việc phát triển thể dục, thể thao ở địa phương, cơ sở.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp quản lý và tăng cường công tác tuyên truyền trong các hoạt động thể dục, thể thao. Xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm trong hoạt động thể thao. Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc để phát triển thể dục, thể thao.

5. Đầu tư cơ sở vật chất, tài chính và hoạt động xã hội hoá thể dục, thể thao.

- Từng bước nâng cấp, xây dựng thiết chế thể dục, thể thao theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ cấp tỉnh đến cơ sở. Hình thành các Trung tâm hoạt động thể dục, thể thao của xã, phường, thị trấn gắn với trường học, các điểm vui chơi của thanh thiếu niên và thiết chế văn hoá tại cơ sở.

- Đầu tư xây dựng khu liên hợp thể thao quy mô cấp tỉnh, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo đáp ứng yêu cầu huấn luyện nâng cao thành tích cho các môn thể thao trọng điểm và đăng cai tổ chức thi đấu các giải thể thao cấp quốc gia và quốc tế.

- Thực hiện chính sách đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao và có chế độ đãi ngộ cho huấn luyện viên, vận động viên thi đấu dành thứ hạng cao ở các giải vô địch quốc gia và quốc tế.

- Hàng năm, bố trí tăng ngân sách cho sự nghiệp thể dục, thể thao. Có chính sách thu hút vận động viên có đẳng cấp cao, cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ thuộc lĩnh vực thể dục, thể thao tình nguyện phục vụ tại địa phương. Nghiên cứu nâng phụ cấp và bố trí suất cán bộ văn hoá xã, phường, thị trấn kiêm công tác thể dục thể thao ở cơ sở.

- Đa dạng hoá các loại hình thể dục, thể thao quần chúng, đẩy mạnh xã hội hoá thể dục, thể thao, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển thể dục, thể thao, nhất là ở cơ sở. Có chính sách khuyến khích các cơ sở công lập, các cá nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng cơ sở luyện tập, hoạt động và sản xuất các dụng cụ thể dục, thể thao phục vụ nhân dân.

- Đầu tư, nâng cấp các sân bãi, nhà thi đấu của tỉnh, của các ngành, địa phương, đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng, huấn luyện năng khiếu và tài năng thể thao.

6. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền.

- Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong tỉnh cần quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về công tác thể dục thể thao; nội dung Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, trên cơ sở đó, có chủ trương phù hợp để lãnh đạo, chỉ đạo công tác thể dục thể thao ở từng ngành, địa phương, cơ sở, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về vị trí, vai trò và tác dụng thể dục, thể thao. Chăm lo cũng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức và bố trí cán bộ có phẩm chất, năng lực để lãnh đạo, công tác thể dục, thể thao. Nâng cao trách nhiệm và phát động phong trào toàn xã hội quan tâm thực hiện tốt công tác thể dục, thể thao, góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa địa phương, đất nước.

- Thường xuyên có kế hoạch triển khai thực hiện Nghị Quyết của Bộ Chính trị, chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2020 của Trung ương, của tỉnh. Đưa hoạt động thể dục, thể thao thành một tiêu chuẩn thi đua trong các cấp, các ngành, đoàn thể, coi hiệu quả công tác lãnh đạo phát triển thể dục, thể thao là một chỉ tiêu đánh giá tổ chức trong sạch vững mạnh.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Thường vụ các huyện, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc, thủ trưởng các sở, ban, ngành chỉ đạo việc tổ chức nghiên cứu quán triệt nội dung Nghị quyết  của Bộ chính trị và Chương trình hành động của Thường vụ Tỉnh uỷ đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết ở các tổ chức đảng, chính quyền, đơn vị.

2. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh căn cứ Chương trình hành động của Thường vụ Tỉnh uỷ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn để xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về thể dục, thể thao. Đồng thời, chỉ đạo các sở ban, ngành, các huyên, thành phố xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động thể dục thể thao ở địa phương, đơn vị.

 3. Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức quán triệt nội dung Nghị quyết  của Bộ chính trị và Chương trình hành động của Thường vụ Tỉnh uỷ; đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai truyên tuyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện có hiệu quả Nghị quyết  của Bộ chính trị và Chương trình hành động của Thường vụ Tỉnh uỷ; phát động các phong trào toàn dân tham gia tập luyện thể dục, thể thao.

4. Báo Quảng Bình, Đài Phát Thanh và Truyền hình tỉnh, Tạp chí sinh hoạt chi bộ và các phương tiện thông tin đại chúng của các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tọa bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

5. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chủ trì, phối hợp với các ban và Văn phòng Tỉnh ủy; các cơ quan có liên quan theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện Chương trình hành động này, định kỳ báo cáo kết quả cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

 

                                                                                                                     T/M BAN THƯỜNG VỤ

PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC

                   (đã ký)

 

                                                                                                                       Hoàng Đăng Quang

Tải File đính kèm