Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 112

  • Hôm nay 2344

  • Tổng 1.527.328

Lịch làm việc

›› Chọn ngày để xem lịch

Tải lịch tuần

 

Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp tỉnh “Đình Vịnh Sơn”

Post date: 15/04/2016

Font size : A- A A+
Sáng ngày 08 tháng 4 năm 2016, tại Đình Vịnh Sơn, Đảng ủy – HĐND – UBND – UBMTTQVN xã Quảng Đông long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích kiến trúc - nghệ thuật Đình Vịnh Sơn.

Ông Hồ An Phong – TUV, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh cho lãnh đạo UBND huyện Quảng Trạch và UBND xã Quảng Đông

Đình Vịnh Sơn mang tên ngôi làng của mình, lúc đầu Đình được xây dựng bằng tranh tre vào khoảng giữa thế kỷ XIX, nhưng do chiến tranh tàn phá, cùng với sự khắc nghiệt của thời gian nên Đình chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu tâm linh của đông đảo người dân nơi đây, cùng với quan niệm “Chùa phát đinh, Đình phát phú”, năm Nhâm Thân – 1932 các Hương hào, Lý trưởng đã cho đốc công, đầu vé để làm lại Đình.

Đình được xây dựng trên một khu đất rất tôn nghiêm, cao ráo, địa thế sơn thủy hữu tình, tiền đường hướng Tây, nơi có dòng kênh Vịnh Sơn trong xanh tắm mát cho đồng ruộng (ruộng Cửa Đình), trông xa hơn lên đỉnh “Con mắt” trên núi Hoành Sơn là một giếng Chăm cổ, phía Bắc là dãy núi Hoành Sơn, phía Đông là cánh rừng Sầm Bu ken dày rồi đến rừng phi lao và động cát cao trải dài, đó là thế “Tụ linh”, “Tụ phúc”, rất hợp với thuyết phong thủy của người xưa. Cách Đình không xa còn có một cái giếng Chăm cổ, quanh năm nước đầy và mát ngọt.

Đình Vịnh Sơn bố cục theo một trục dọc, gọn gàng, xinh xắn. Cấu trúc của Đình gồm tam quan, bình phong, sân đình, tòa đại đình và hậu cung. Kiến trúc đình Vịnh Sơn đã tiếp thu một số yếu tố kiến trúc và nghệ thuật Phật giáo, với những nét chạm trổ công phu, đầy sức hấp dẫn, nhưng có những nét mạnh bạo hơn với sự kết hợp hai khuynh hướng chính thống và dân gian, mà khuynh hướng chính thống chỉ chiếm vai trò phụ họa cho dòng dân gian. Hình tượng con rồng vẫn được coi là hình tượng thiêng liêng, là cấm kị của nhà vua, nhưng ở đình Vịnh Sơn đã được các nghệ nhân tài hoa dân gian hóa như rồng đàn, rồng ổ quấn quýt nhau. Rồi có rất nhiều hình tượng cá hóa rồng, trúc hóa lân, hoa lá được chạm khắc trên các cột, kẻ, tay co, dạ tầu, con lượn, thượng lương, xà lòng, xà nách, xà thượng, xà hạ, chồng giường, xà nóc của Đình. Rồng ở đình Vịnh Sơn được chạm khắc theo dáng rồng thời Nguyễn khỏe khoắn, nhưng thanh thoát, uyển chuyển, đuôi rồng đều có xoáy.

Những hình ảnh chạm nổi trên các cấu kiện của đình Vịnh Sơn đề cập đến các đề tài tứ linh (long, ly, quy, phụng), chim muông, hoa lá, mây, lửa, sóng nước, hình mặt trời, nhiều hoa văn họa tiết phong phú mang các nét sinh hoạt của đời sống dân gian. Các bao lam, cửa võng ở cửa chính điện đều chạm lộng rất tinh xảo. Chính điện trang trí nhiều hoành phi, câu đối và chạm nổi nhiều phù điêu. Các hoành phi, câu đối đều được sơn son thếp vàng. Đồ thờ trong Đình, ngoài các bộ tam sự, ngũ sự, còn có bộ bát kích (long đao, mác trượng, chùy, kiếm, câu liêm, đinh ba, tay thước, nắm tay), lọng che và nhiều đồ thờ khác.

Đình Vịnh Sơn được tạo dựng theo kiểu kiến trúc dân gian truyền thống, đó là mô thức nhà rường với kết cấu một bộ khung gỗ chịu lực, được liên kết bởi các thành phần cấu kiện với nhau; họa tiết trang trí theo mô thức chạm trỗ trên gỗ và ghép mãnh sành sứ ở mái đình, cổng trụ, bình phong. Đây là phong cách trang trí Đình phổ biến vào thời Nguyễn, những đề tài trang trí xoay quanh triết lý nhân sinh quan, vũ trụ quan theo quan điểm Nho giáo; đồng thời gửi gắm những ước muốn cầu cho vật thịnh, dân an, ấm no hạnh phúc cho người dân nơi đây. Đình Vịnh Sơn không chỉ là công trình kiến trúc mang nét đẹp của văn hóa- tâm linh mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử của xã Quảng Đông trong nhiều thời kì lịch sử của địa phương.

Đình Vịnh Sơn là nơi thờ thần Thành Hoàng Làng, mẫu Liễu Hạnh, các vị tiền hiền có công khai khẩn, các vị anh hùng dân tộc, đồng thời đây còn là nơi tổ chức các lể hội lớn của làng.

Hằng năm, cứ đến ngày ba mươi, mồng một tết, lễ hạ điền người dân kéo đến xem hội đấu vật, đánh đu…đặc biệt là ngày giỗ mẫu Liễu Hạnh Công chúa mồng 03 tháng 3 âm lịch hàng năm, chính quyền cùng toàn thể nhân dân tiến hành lễ cũng Mẫu Liễu, Thành Hoàng làng. Tại đây, sau khi làm lễ cúng tạ, đoàn rước 12 vị thần bằng kiệu lên điện thờ Mẫu dưới chân Đèo Ngang, cách đình khoảng 3km về phía Tây để hầu Bà. Sau khi làm lể xong, họ lại tiến hành rước 12 vị thần quay ngược trở về Đình. Đây cũng là dịp để người dân địa phương dẫu đi làm ăn xa trở về làng hội ngộ, dâng nén hương thơm tỏ lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân có công với làng nước, Đình làng trở thành địa chỉ quen thuộc gắn kết tình nghĩa xóm giềng. Vậy nên, hình ảnh Đình làng thân thương đã đi vào ký ức bao nhiêu thế hệ con cháu để rồi dẫu đi làm đâu xa họ vẫn một lòng hướng về quê nhà.

Đây là một công trình có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu. Hình ảnh ngôi đình với những nét chạm trỗ hết sức tinh xảo tạo thành điểm nhấn đặc biệt cho chúng ta thấy sự cần mẫn, một nghệ thuật tạo hình tài tình của những người thợ năm xưa.

Di tích đình Vịnh Sơn có giá trị văn hóa, tâm linh, tinh thần thể hiện rõ tình cảm uống nước nhớ nguồn của bao thế hệ qua việc thờ cúng Mẫu Liễu, thần Thành Hoàng, các vị tiền hiền khai khẩn, các anh hùng trong chiến tranh…, các lễ nghi mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đây chính là những nét đẹp văn hóa hiện hữu cùng thời gian vượt qua sự xáo mòn nghiệt ngã của quy luật sinh diệt, con người Vịnh Sơn bao đời nay nối tiếp ý thức bảo vệ, tôn tạo những giá trị văn hóa, lịch sử cho lớp người đi sau mãi mãi ghi nhớ về nguồn cội, kế thừa các chân giá trị trong đời sống cộng đồng.

Ngoài ra, với vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong tuyến du lịch Đèo Ngang – Đền Liễu Hạnh – Lăng mộ Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, thắng cảnh Vũng Chùa – Đảo Yến; vì vậy, nếu được xếp hạng, đây sẻ là một điểm du lịch tâm linh không thể thiếu trong mỗi cuộc hành trình của những đoàn khách tham quan khi đến vùng đất này.

Với những giá trị tiêu biểu về mặt kiến trúc nghệ thuật, lịch sử và văn hóa, đình Vịnh Sơn đã được UBND tỉnh ra quyết định số 3834 QĐ/UBND, ngày 30 tháng 12 năm 2015 công nhận là di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp tỉnh. Đây là cơ sở để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian trong tiến trình hội nhập và phát triển để dù có đi đâu? Làm gì? Thì những giá trị ấy mãi trở thành hồn làng đưa mỗi người dân nơi đây tìm về chốn bình yên sau bao đổi thay của thời cuộc.

Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Vịnh Sơn cho chúng ta thấy giá trị to lớn của một di sản mà ông cha ta đã để lại; đồng thời qua đó giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

 

                                                                              Thanh khang

 

More