Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 113

  • Hôm nay 3048

  • Tổng 1.528.038

Lịch làm việc

›› Chọn ngày để xem lịch

Tải lịch tuần

 

Cuộc thi sáng tác biểu trưng tỉnh Quảng Bình: 3 tác phẩm giành được giải thưởng

Post date: 27/05/2024

Font size : A- A A+

Chiều nay, 24/5, UBND tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức họp báo cung cấp thông tin về lễ kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2024), 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949-15/7/2024) và 35 năm Ngày tái lập tỉnh (1/7/1989-1/7/2024). Đồng chí Hoàng Xuân Tân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo các ngày lễ lớn tỉnh chủ trì buổi họp báo.

Thời gian qua, cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) tỉnh Quảng Bình đã được phát động rộng rãi, thu hút nhiều tác giả tham gia. Đến nay, hội đồng nghệ thuật (HĐNT) đã lựa chọn được 3 tác phẩm xuất sắc đề cử Ban Tổ chức (BTC) trao giải thưởng.

Cuộc thi thu hút nhiều người quan tâm

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao (VH-TT) Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết: Cuộc thi nhằm lựa chọn một biểu trưng thể hiện được đặc trưng của tỉnh Quảng Bình để sử dụng chính thức trong các hoạt động của tỉnh, góp phần quảng bá hình ảnh Quảng Bình đến bạn bè trong và ngoài nước. Là cơ quan thường trực BTC cuộc thi, thời gian qua, Sở VH-TT đã gửi thông báo cuộc thi sáng tác logo tỉnh Quảng Bình đến các sở, ngành, trường đại học, cao đẳng, các hội văn học-nghệ thuật các tỉnh, thành phố… trong toàn quốc. Đối tượng dự thi là các tổ chức, cá nhân trong nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, độ tuổi thí sinh không hạn chế… có khả năng sáng tác, thiết kế biểu trưng. 

Mẫu Biểu trưng BT190A (M02) giành giải nhất cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) tỉnh Quảng Bình.

Sở VH-TT cũng tham mưu thành lập HĐNT chấm chọn logo tỉnh Quảng Bình là các nhà quản lý, nhà sử học, các nhà chuyên môn có uy tín trong lĩnh vực mỹ thuật, thiết kế đồ họa, như: TS. Sử học Phan Viết Dũng; PGS.TS Nguyễn Nghĩa Phương-họa sĩ, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch HĐNT Đồ họa, Hội Mỹ thuật Việt Nam; TS. Ngô Anh Cơ, Ủy viên HĐNT Đồ họa, Hội Mỹ thuật Việt Nam, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp; TS. Hồ Nam-nhà thiết kế, Trưởng phòng nghiên cứu khoa học Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Chủ tịch HĐNT ứng dụng, Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Với sự lan tỏa sâu rộng của cuộc thi, đợt I (từ 21/8-15/11/2023), BTC nhận được 229 tác phẩm của 119 tác giả dự thi (trong đó có 36 tác phẩm của 14 tác giả tỉnh Quảng Bình). Qua hai vòng chấm sơ khảo và chung khảo, đã chọn được 3 mẫu biểu trưng của 3 tác giả có số điểm cao nhất để lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

“Qua kết quả bình chọn và ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân, xét thấy nhiều sở, ngành, địa phương chưa tổ chức lấy ý kiến rộng rãi. Với mong muốn tìm kiếm các biểu trưng đáp ứng kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, cuộc thi được gia hạn đến ngày 29/2/2024”, Giám đốc Sở VH-TT cho biết thêm.

Đợt II, sau gần 2 tháng tiếp tục phát động cuộc thi (từ ngày 9/1-29/2/2024), đã có 216 tác phẩm của 81 tác giả (trong đó có 47 tác phẩm của 26 tác giả tỉnh Quảng Bình) tham gia dự thi.

Như vậy, qua 2 đợt phát động, BTC đã nhận được 445 tác phẩm của 200 tác giả. HĐNT đã chấm chọn được 3 mẫu biểu trưng của 3 tác giả có số điểm cao nhất, gồm: BT150A, BT190A, DC03. Sau khi các tác giả hoàn thiện một số nội dung theo gợi ý của HĐNT, Sở VH-TT đã tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh từ ngày 21-27/3/2024. Kết quả: Mẫu BT150A (M01): 16.356 lượt bình chọn; BT190A (M02): 86.966 lượt bình chọn; DC03 (M03): 67.271 lượt bình chọn. 

Kết quả chấm bước 3, mẫu biểu trưng BT150A (M01) có tổng điểm: 572; BT190A (M02) 663 điểm và  DC03 (M03) đạt 600 điểm. Căn cứ thể lệ cuộc thi và kết quả chấm chọn của HĐNT, BTC đã quyết định trao 3 giải, gồm 1 giải nhất cho tác phẩm có mã số BT190A (M02); giải nhì cho tác phẩm có mã số DC03 (M03) và giải ba cho tác phẩm có mã số BT150A (M01). 

Các tác phẩm đoạt giải đã đáp ứng yêu cầu cuộc thi

Yêu cầu của biểu trưng tỉnh Quảng Bình phải có tính khái quát, nghệ thuật cao, hiện đại, tiêu biểu, nổi bật về truyền thống lịch sử, văn hóa của mảnh đất và con người Quảng Bình trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phản ánh được những thành tựu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh trong thời kỳ đổi mới; thể hiện những nét đặc trưng, ấn tượng, đơn giản, dễ hiểu, dễ nhận biết, dễ ghi nhớ. Các tác giả tham gia cuộc thi đã nỗ lực thể hiện trong tác phẩm của mình. 

Mẫu biểu trưng DC03 (M03) giành giải nhì cuộc thi.

Chị Hoàng Thị Thu Thảo, người giành giải nhất cuộc thi với tác phẩm mang mã số BT190A (M02) chia sẻ: "Khi sáng tác, tôi chọn bố cục tổng thể cách điệu từ 2 chữ cái Q và B (Quảng Bình). Chữ Q tạo hình thành nét cong uốn lượn biểu thị hình tượng sông Gianh dạt dào và hùng vĩ như chính lòng dân và sức dân nơi đây. Từ xưa, sông Gianh đã chắt chiu từng hạt phù sa để bồi đắp cho những cánh đồng màu mỡ, xóm làng xanh tươi trù phú, góp phần đưa quê hương Quảng Bình ngày càng phát triển. Chữ B được thiết kế như những dãy núi, hang động hùng vĩ tượng trưng Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Khoảng âm chữ B gắn kết với thạch nhũ tạo nên vẻ đẹp tuyệt mỹ và tráng lệ của hang Sơn Đoòng, 20 năm qua và trong hành trình mới, tỉnh Quảng Bình trân trọng và gìn giữ nguyên vẹn các giá trị ngoại hạng đó vì mục tiêu phát triển bền vững. Logo của UNESCO được đặt ở trung tâm nhằm gửi đi thông điệp đến du khách trong và ngoài nước về điểm đến Phong Nha-Kẻ Bàng được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới là niềm tự hào của người dân Quảng Bình".

Cùng với đó, Quảng Bình quan là di tích có giá trị to lớn về mặt lịch sử lẫn nghệ thuật quân sự-biểu tượng đặc trưng về văn hóa của vùng đất địa linh nhân kiệt, đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Nơi đây đã trở thành địa chỉ thu hút khách du lịch bởi bề dày lịch sử cùng những câu chuyện không thể quên về tinh thần quật cường của quân và dân Quảng Bình. Màu sắc chủ đạo là màu xanh dương và xanh lá cây, thể hiện khát khao vươn xa hội nhập, phát triển toàn cầu và hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng, phát triển du lịch bền vững gắn liền với những nét văn hóa bản địa, thể hiện dấu ấn điểm đến.

Nói về 3 mẫu biểu trưng vào giải chính thức cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) tỉnh Quảng Bình, HĐNT chấm chọn cho biết: Mẫu Biểu trưng BT190A (M02)-giải nhất: Thể hiện được một cách tốt nhất yêu cầu của thể lệ cuộc thi. Trong đó, các hình ảnh di tích lịch sử, di sản thiên nhiên được hòa quyện với tỷ lệ hợp lý. Logo của Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO được đặt ở trung tâm nhằm nhấn mạnh giá trị và đặc điểm nhận diện di sản thiên nhiên riêng có của tỉnh là một thành tố hết sức có ý nghĩa và khác biệt so với biểu trưng các tỉnh thành ở Việt Nam.

Về hình thức, sau khi hoàn thiện theo yêu cầu của HĐNT, mẫu biểu trưng này có sự cân đối  lý tưởng về cấu trúc, tỷ lệ giữa mảng tĩnh và mảng động, giữa màu xanh lá và xanh dương, giữa hình và nền, giữa mảng âm và mảng dương, giữa các biểu tượng về kiến trúc, hang động và sông-biển. Các mảng màu và mảng sáng cũng là những thiết kế táo bạo, đem lại sự khác biệt và hình thái mạnh mẽ, ý nghĩa cùng sự chắc chắn, bay bổng và như đang tỏa sáng. 

Mẫu Biểu trưng BT150A (M01) giành giải ba cuộc thi.

Về tổng thể mẫu biểu trưng có tính mới, khác biệt và nghiêm trang của biểu trưng đơn vị hành chính nhà nước cấp tỉnh. Kết quả mẫu biểu trưng BT190A (M02) có số lượt bình chọn cao nhất là: 86.966 lượt đồng ý bình chọn. 

Mẫu biểu trưng DC03 (M03)-giải Nhì: Nội dung thiết kế thể hiện được một số hình ảnh tiêu biểu cho Quảng Bình: sông-biển, di tích lịch sử Quảng Bình quan, dãy núi đá vôi. Tuy nhiên, ở đây núi còn khá chung chung, chưa thể hiện được nét đặc trưng của Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, di sản thiên nhiên thế giới và cũng là biểu tượng nhận diện riêng của Quảng Bình. Hình thức được thiết kế tốt vừa có sự vững chãi, vừa có chuyển động nhẹ để bảo đảm sự cân đối, hài hòa chung và tính chất của một biểu trưng đại diện cho một đơn vị hành chính nhà nước cấp tỉnh. Nhìn chung, mẫu biểu trưng này có sự nghiêm trang về hình và đủ về màu sắc. Tuy nhiên, cấu trúc tổng thể lại chưa tạo sự khác biệt mạnh, chưa có những điểm sáng tạo mới nên đem lại cảm giác khá thông thường. Kết quả DC03 (M03) có 67.271 lượt đồng ý bình chọn.

Mẫu Biểu trưng BT150A (M01)-giải ba: Biểu trưng thể hiện được đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của thể lệ cuộc thi, phản ánh các hình ảnh biểu trưng cho tỉnh, có sự hài hòa nhất quán và không trùng lặp với các logo đã có. Kiến trúc Quảng Bình quan được cách điệu hiện đại và có sự mới lạ về cách tiếp cận. Tuy có được một số điểm về nội dung và sự khác biệt, song tổng thể logo này chưa có được sự vững chãi cần thiết để thể hiện tính chất về một biểu trưng của cơ quan chính quyền nhà nước cấp tỉnh; hình thức mỹ thuật mỏng manh và quá nhiều chuyển động thiếu điểm nghỉ để cân bằng. Kết quả BT150A (M01) có 16.356 lượt đồng ý bình chọn. 

Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) tỉnh Quảng Bình đã thu hút được sự tham gia của đông đảo tác giả trong và ngoài nước với 445 tác phẩm của 200 tác giả. Trải qua nhiều vòng chấm, 3 tác phẩm được HĐNT chọn và trao giải nhất, nhì, ba đã tuân thủ đúng thể lệ cuộc thi và đồng thuận với ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Các tác phẩm đã thể hiện được những nét đặc trưng của quê hương Quảng Bình, BTC đánh giá cao trách nhiệm, tôn trọng kết quả chấm chọn của HĐNT và ý kiến của cán bộ, đảng viên, nhân dân.  

 

Nội Hà

Theo:baoquangbinh.vn

More