Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 12

  • Hôm nay 3138

  • Tổng 1.549.769

Lịch làm việc

›› Chọn ngày để xem lịch

Tải lịch tuần

 

Phim lên Chút Mút vùng cao

Post date: 26/11/2014

Font size : A- A A+

                Những ngôi nhà thưng gỗ nằm cheo leo trên sườn núi trải dài từ km 40 đến km 46 là bản Chút Mút  thuộc xã Lâm Thủy- huyện Lệ Thủy, có 44 hộ/ 213 nhân khẩu sống quần tụ eo óc dọc theo con suối Rào Reng, một nhánh nhỏ của dòng sông Long Đại hùng tráng. Theo các già làng, trưởng bản thì bản chút Mút được tách ra từ bản Eo Bù, bời vậy đến bây giờ dân bản vẫn thường gọi quê hương mình với cụm từ Eo Bù-Chút Mút. Gốc gác  của họ vốn sinh sống  ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, do chiến tranh loạn lạc một số gia đình di cư quần tụ tại đây, một thời gian dài phát triển thành làng, thành bản. Đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng những năm gần đây Chút Mút đã có sự đổi thay đáng mừng, đồng bào đã từ bỏ tập quán sống dựa vào rừng, biết chăn nuôi, trồng lúa nước ổn định đời sống  từ năm 2005 khi dự án  135 được thực hiện phát huy.

Những năm qua nhờ có đập ngăn nước Rào Reng tình hình sản xuất canh tác, khai hoang phục hóa của đồng bào đổi thay tích cực, nguồn lương thực thu hoạch ổn định, đời sống đồng bào khấm khá hơn.  Một số hộ gia đình biết cách làm ăn, chắt chiu tiết kiệm đã xây được nhà ngói, mua xe máy, tậu trâu bò, dù vậy số hộ khá giả chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài sự nổ lực vượt khó của đồng bào còn có sự tận tình giúp đỡ  của bộ đội biên phòng đồn trú trên địa bàn, các anh đêm ngày bám dân, bám bản, cầm tay chỉ việc cho đồng bào cách thức tăng gia sản xuất, chăn nuôi trồng trọt, giữ gìn đoàn kết, an ninh, vượt qua đói nghèo, lạc hậu…

Đến hẹn lại lên, đội Chiếu bóng lưu động huyện Lệ Thủy lên đường phục vụ đồng bào Vân Kiều bản Chút Mút, đi trên con đường mới mở giữa màu xanh bát ngát rừng trường sơn anh em chiếu bóng bùi ngùi như nhớ lại những ngày gian khổ gùi phim lên phục vụ đồng bào bản Chút Mút, con đường trở thành người bạn, người cứu cánh cho đội mỗi khi phục vụ đồng bào miền sơn cước.

Bài học để đội chiếu phim thành công là phải dựa vào đồn biên phòng mới mong hoàn thành nhiệm vụ, lần này cũng vậy chúng tôi đến đồn biên phòng Chút Mút là gặp ngay trưởng bản Hồ Bằng và cán bộ đoàn thanh niên xã. Đám trẻ con nghe phim về cũng đến vây quanh mấy anh chiếu bóng, chúng nhìn các thiết bị điện ảnh bằng ánh mắt thán phục, đêm nay chúng sẽ được một bữa “ tiệc” no nê con mắt. Một thằng bé tóc vàng hoe, mặt mày đen nhẻm  lẩm nhẩm đọc từng chữ trên tấm băng rôn: “ Đợt phim hướng về biển đảo”. Tôi hỏi nó:

Cháu học lớp mấy mà đọc chữ thành thạo thế?

Cháu … lớp ba- nó e thẹn cúi đầu.

Ở bản Chút Mút ngày nay, trường học được xây dựng khang trang, con em trong bản phấn khởi đến trường

Chiều về, không khí trong bản nhộn nhịp khác hẳn ngày thường, tiếng máy nổ xình xịch, tiếng hát trên loa phóng thanh nghe rộn ràng, náo nức… mặt trời đỏ từ từ lấp sau ngọn núi cũng là lúc anh em dựng màn ảnh thử máy chiếu, mở loa phóng thanh thông báo  chương trình và mời bà con xem phim tối nay.

Cả Chút Mút  đang vui thì trời nổi cơn giông bất thường, mưa nặng hạt. Chúng tôi, ông trưởng bản, đồng bào đều lo lắng… cái khổ của nghề chiếu phim ngoài trời nó thế, dựng máy, trương màn ảnh lên, trời mưa là dẹp, các anh chiếu phim buồn đã đành, đồng bào còn buồn hơn, thương nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, một năm mới được xem phim một lần. Trời vẫn mưa xối xả, ai củng lắc đầu tiếc nuối, mưa to thế này có lẽ hẹn tối mai chiếu đúp, chiếu thâu đêm đến sáng phục vụ đồng bào. Anh Nguyễn Văn Hiệp, đội trưởng động viên anh em: “ Một lần đến được với Chút mút là một lần khó, ta cố chờ đến lúc mưa tạnh, chờ đến 10 giờ đêm vẫn chờ, đồng bào chờ được sao ta không đáp ứng…” Không phụ lòng bà con, quá 20 giờ trời tạnh ráo. Bọn trẻ reo hò phấn khởi, dân bản lũ lượt kéo nhau về sân bãi, không gian vui vẻ  ồn ả tiếng cười tiếng nói, người già mang theo ghế nhựa, các cô gái mặc áo đẹp e lệ  bên bạn trai, mọi người hướng về phía màn ảnh. Đêm nay chúng tôi cố gắng chiếu nhiều phim để bù thời gian chờ mưa tạnh, phim tài liệu, Biển của người Việt Nam, Hoàng Sa trong lòng Tổ quốc, phim truyện Mùa Gió Chướng, về miền thương nhớ, toàn những phim hay, có phim vừa mới sản xuất.

Già làng Hồ Thắng tâm sự: những người cao tuổi rất thích xem phim về đề tài chiến tranh Việt Nam. Ông nhớ mãi lần xem phim“ Điện Biên Phủ” cách đây 40 năm, đêm ấy dân bản mừng vui  không ngủ được, còn những phim“ đường ra mặt trận”, “Nguyễn Văn Trổi”, “ chị Tư Hậu…” xem đi, xem lại vẫn không chán. Ở nơi núi rừng heo hút này thiếu gạo đã có bắp thay cơm, nhưng thiếu phim đồng bào không biết kiếm gì thay được. Lâu lâu đội chiếu bóng mới về, bà con không chỉ háo hức xem phim, mà còn mong tìm lại không khí nhộn nhịp, đông vui.

Đi xem chiếu bóng cũng là dịp nam nữ thanh niên Chút Mút diện quần áo mới, có thời gian thoải mái hẹn hò, là thói quen sinh hoạt cộng đồng đã ăn sâu vào nếp nghĩ của bà con dân bản.

Buổi chiếu phim cũng thành công mỹ mãn, kết thúc vào một giờ sáng, chúng tôi quây quần bên nhau uống vài ly chúc tụng, ông Hoàng Lý- chủ tịch UBND xã Lâm Thủy trao đổi với đội chiếu bóng một số nội dung vừa là nhận xét, vừa là kiến nghị: “ mỗi năm dân bản chỉ được xem phim một lần, như vậy là quá ít, đồng bào đã thiếu ăn đừng để đồng bào thiếu văn hóa phim ảnh. Đảng và nhà nước bao giờ cũng quan tâm đến các dân tộc thiểu sổ. Cán bộ lãnh đạo xã hiểu rõ điều này nên dựa theo lịch chiếu phim của Trung tâm PHP&CB để kết hợp tổ chức sinh hoạt cộng đồng, lồng ghép tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, đồng thời giáo dục pháp luật, phổ biến kinh nghiệm khuyến nông, khuyến ngư, xóa đói giảm nghèo và vận động quần chúng  tham gia  phòng chống dịch bệnh, bài trừ mê tín dị đoan…” Tôi hiểu trong cách nói của ông có phần chưa hài lòng, chúng tôi xin ghi nhận và cố gắng làm hết sức mình để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ đời sống phim ảnh của đồng bào ngày một cao hơn.

Chia tay Chút Mút chúng tôi thấy trách nhiệm của người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa càng nặng nề hơn, đối với hoạt động chiếu bóng thì xóa điểm trắng trên địa bàn rừng núi rẻo cao đã khó, việc thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật điện ảnh cho đồng bào càng khó hơn, nhất là trong thời buổi hiện nay khi công nghệ nghe nhìn có mặt  khắp mọi nơi./.

Thu Bình

More