Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 31

  • Hôm nay 574

  • Tổng 1.541.965

Lịch làm việc

›› Chọn ngày để xem lịch

Tải lịch tuần

 

Giải đấu trên dòng Nhật Lệ

Post date: 13/05/2024

Font size : A- A A+

Lần đầu tiên, giải đua thuyền mang tầm quốc gia được tổ chức ngay tại Quảng Bình, giữa nắng gió Nhật Lệ. Với quyết tâm tổ chức một giải đấu an toàn, có chất lượng chuyên môn cao, các ban, ngành, địa phương Quảng Bình đã nỗ lực hết mình, để lại những ấn tượng tốt đẹp nhất cho vận động viên (VĐV) các tỉnh, thành tham dự giải đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia năm 2024.

Vượt nắng, vượt gió 

Những ngày cuối tháng 4, thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, có những ngày nhiệt độ hơn 400C nhưng không khí trên đường đua xanh dường như còn “nóng” hơn nhiều lần. Trên bờ sông, người dân và du khách đứng tập trung, hò reo cổ vũ. Dưới dòng sông, các tay đua ngược sóng, ngược gió, băng băng về đích. Những tay chầm mạnh mẽ, dứt khoát. Tiếng hô vang đầy quyết tâm vang vọng lại giữa mặt sông lộng gió.

Là giải đấu thường niên nằm trong hệ thống thi đấu thể thao thành tích cao của Cục Thể dục thể thao, giải đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia năm 2024 gồm 18 bộ huy chương dành cho nam, nữ và hỗn hợp nam nữ với các loại thuyền 10 và 20 tay chèo ở các cự ly 1.000m, 500m và 200m. Trong 3 ngày diễn ra các nội dung thi đấu, VĐV các đoàn đã cống hiến cho khán giả những màn tranh tài kịch tính, hấp dẫn, mang tính chuyên môn cao.

Đặc biệt, ở nội dung cự ly 200m đã chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt của các đội trên đường đua xanh. Thời điểm diễn ra các nội dung thi đấu ở cự ly này, gió lớn trên sông Nhật Lệ đã ảnh hưởng nhiều đến quá trình xuất phát của các đội đua. Ngoài sức lực dẻo dai, các VĐV cũng cần phải có kỹ thuật, chiến thuật riêng và tranh thủ từng giây. Trên đường đua xanh, có những nụ cười khi vỡ òa niềm vui chiến thắng và cả những giọt nước mắt của sự tiếc nuối hòa vào từng giọt mồ hôi.

Được chọn lọc chủ yếu từ các đội đua phong trào có thành tích cao ở các lễ hội đua thuyền địa phương, VĐV của đội chủ nhà Quảng Bình cũng đã nỗ lực hết mình, mang về 1 huy chương vàng và 3 huy chương đồng. Theo Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Nguyễn Thị Bích Thủy, chưa có nhiều dịp để cọ xát trên các sân chơi thể thao thành tích cao nên đây là cơ hội quý để VĐV đua thuyền Quảng Bình học hỏi, đúc rút kinh nghiệm từ các VĐV chuyên nghiệp, từ đó, sẽ có kết quả cao hơn trong các giải đấu sau.  

Những màn tranh tài hấp dẫn trên dòng Nhật Lệ.

 Nỗ lực vì một giải đấu an toàn

Một tuần trước khi giải đua thuyền truyền thống toàn quốc năm 2024 diễn ra, mọi công tác tổ chức được gấp rút tiến hành nhằm bảo đảm cho giải đấu được diễn ra an toàn, suôn sẻ nhất. Là giải đấu mang tầm quốc gia nên yêu cầu đặt ra cho công tác tổ chức càng khắt khe hơn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng. Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng phương án phân luồng tàu, thuyền bảo đảm hành lang an toàn trong thời gian diễn ra giải.

Thời điểm trước, trong, sau khi kết thúc giải đấu, Công an tỉnh cũng xây dựng và triển khai các hoạt động nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông khu vực dưới sông, trên bờ và tại các địa điểm mà VĐV và Ban Tổ chức lưu trú. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe cho VĐV cũng được quan tâm chu đáo. Trong ngày thi đấu thứ 2, cự ly 1.000m, thời tiết nắng nóng gay gắt đã khiến cho một số VĐV bị sốc nhiệt, ngất xỉu khi về tới đích. Đội ngũ nhân viên y tế túc trực thường xuyên tại khu vực diễn ra giải đấu đã cấp cứu kịp thời và nhanh chóng đưa VĐV đến các cơ sở y tế để điều trị.

Trong những ngày diễn ra giải đua thuyền, nắng nóng gay gắt nên sự vất vả của các thành viên Ban Tổ chức giải cũng vì thế nhân lên. Khó khăn nhất là công tác lắp đặt cầu phao, đường phao và hệ thống cáp ngầm trên sông Nhật Lệ để phân định các làn đua. Lưu lượng tàu, thuyền qua lại thường xuyên, sóng ngầm và gió mạnh khiến cho các đường phao vừa lắp đặt đã bị hư hỏng. Mỗi lần như vậy, các lực lượng lại cùng chung tay sửa chữa, lắp mới, định vị lại... Tất cả đều cố gắng làm tròn nhiệm vụ để hướng đến một giải đấu chất lượng, an toàn nhất. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ và nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương mà không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra trong thời gian diễn ra giải đấu.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam Nguyễn Hải Đường khẳng định, giải đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia năm 2024 đã được tổ chức chu đáo, thành công. Các VĐV đã hoàn thành xuất sắc nội dung phần tranh tài, cống hiến cho khán giả những màn bứt phá ấn tượng.

“Tiêu chí của một giải đua thuyền là an toàn và công bằng. Trong đó, yếu tố an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Trong quá trình tổ chức giải đã có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các lực lượng, sở, ngành, địa phương của tỉnh Quảng Bình với Ban Tổ chức Trung ương. Đặc biệt, chúng tôi đánh giá rất cao Sở Văn hóa-Thể thao, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Tổ chức đã chủ trì phối hợp với Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam và các cơ quan, đơn vị, địa phương để tổ chức điều hành các hoạt động diễn ra suôn sẻ, mang đến một giải đấu thành công, có chất lượng chuyên môn cao”, Tổng Thư ký Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam chia sẻ thêm.

Quảng Bình-đến để trải nghiệm

Giải đua thuyền truyền thống quốc gia năm 2024 có sự góp mặt của 10 đội đến từ các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hải Dương, Bình Thuận, Quảng Nam, Hà Nội, Thái Nguyên và TP. Hồ Chí Minh. Vượt ra khỏi khuôn khổ của một giải đấu thể thao, giải còn là cơ hội để quảng bá về tiềm năng, thế mạnh du lịch Quảng Bình cũng như các giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, sản phẩm du lịch, góp phần mở rộng hợp tác, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch giữa Quảng Bình với các tỉnh, thành.

Ngoài những ngày thi đấu, tập luyện trên sông Nhật Lệ, hơn 400 VĐV cùng thành viên Ban Tổ chức, huấn luyện viên các đoàn đã có cơ hội khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vùng đất Quảng Bình, trải nghiệm cuộc sống của nhân dân đôi bờ sông Nhật Lệ. Chính sự thân thiện, mến khách của con người Quảng Bình, vẻ đẹp của thiên nhiên vùng đất này đã để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với các VĐV và Ban Tổ chức giải.

VĐV Nguyễn Thị Ngân, đội tuyển đua thuyền Thái Nguyên chia sẻ: “Đây là lần thứ 3 tôi tham gia giải đua thuyền truyền thống cấp quốc gia nhưng là lần đầu tiên đến với Quảng Bình. Giải được tổ chức ngay trung tâm TP. Đồng Hới nên rất thuận tiện cho chúng tôi trong quá trình di chuyển, sinh hoạt. Ngoài thi đấu, các VĐV còn tổ chức đi tham quan một số địa điểm nổi tiếng của du lịch Quảng Bình. Một trải nghiệm rất tuyệt vời!”.

Ông Nguyễn Hải Đường cho biết: Đua thuyền truyền thống không đơn giản chỉ là một giải đấu thể thao mà còn là dịp để VĐV gắn bó với bộ môn này được tìm hiểu những nét văn hóa địa phương, đời sống của nhân dân các vùng quê sông nước. Việc lựa chọn tỉnh Quảng Bình làm địa điểm đăng cai giải đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia năm 2024 mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Thi đấu trên dòng Nhật Lệ-con sông lịch sử, mang nhiều huyền tích chính là cơ hội để các VĐV được hiểu hơn về mảnh đất, con người Quảng Bình, về dòng sông gắn liền với tên tuổi của nhiều danh nhân; đồng thời đây là dịp tỉnh đang hướng về những ngày lễ lớn của cả nước và kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh, 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi và 35 năm Ngày tái lập tỉnh.

Diệu Hương

Theo: baoquangbinh.vn

More